ÔNG KẸ HELICOBACTER PYLORI (HP)

 

Thông thường dạ dày con người có nhiều dịch vị có tính acid nên vi trùng không thể sống trong đó. Tuy nhiên con này có khả năng tiết ra men urease giúp trung hoà dịch vị nên sống khoẻ trong đó. Nó hay sống trong phần cuối dạ dày và vùng đầu ruột non, nó tạo ra phản ứng viêm và miễn dịch tại chỗ, làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày. Lớp niêm mạc này là hàng rào bảo vệ dạ dày trước dịch vị chua lè, mất lớp bảo vệ này khiến thành dạ dày bị kích thích, bị viêm và cuối cùng là loét. Ngoài ra các phản ứng viêm và phản ứng miễn dịch tại chỗ còn làm tăng nguy cơ ung thư và lymphoma (u MALT) ở dạ dày sau này.

HP sống trong dạ dày nên lây lan từ miệng sang miệng hay phân sang miệng. Khoảng hơn phân nửa chúng ta bị nhiễm HP (45%-71%), hầu hết bị lây khi còn nhỏ.

Tới đây thấy vi trùng này quá nguy hiểm phải không? Cứ hai người xung quanh thì có hơn 1 người bị nhiễm, không chừng mình cũng bị rồi. Mới cua được cô người yêu mới, sắp sửa hôn môi gắn môi mà trong đầu cứ xoay mòng mòng mấy chữ HP 50%, viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày thì thôi còn nước non gì nữa mà hun hít, không lẽ kêu cổ đi thử coi có nhiễm HP không thì mới hôn, có mà làm chiến sĩ bắn máy bay thâm niên.

Thật sự con vi trùng này không đáng sợ như vậy, cho dù tỷ lệ nhiễm cao như vậy nhưng không phải bị nhiễm là sẽ bị các bệnh trên, thực tế là hầu hết chúng ta sống chung với con này mà không có vấn đề gì hết, chỉ có một số rất ít người mắc bệnh loét dạ dày hay ung thư dd thôi. Vì sao người này bị mà người khác không bị thì chưa được hiểu rõ.

Nếu ai nhiễm HP cũng viêm loét dạ dày hay ung thư dạ dày thì một nửa chúng ta đang đau bụng vì viêm loét dạ dày hay đang vật lộn với tử thần vì ung thư dd rồi.

Tỷ lệ một người bị ung thư dạ dày trong suốt một đời là 0.9% (nhỏ hơn nhiều so với 70% nhiễm HP ở Việt Nam), mà trong số người bị ung thư dạ dày (phần lớn là trên 65 tuổi), yếu tố nguy cơ hàng đầu là chế độ ăn nhiều đồ ướp muối, ăn nhiều đồ hun khói, chiên nướng, đồ chua, thịt qua chế biến chứa nitrate, nitrites, sau đó mới tới yếu tố HP, di truyền, tuổi tác, giới tính, chủng tộc.

HP chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân của ung thư dd, mà chỉ khi nó gây sự, chứ khi nó ăn ở biết điều thì cũng chả gây hại gì.

Khi nó không gây sự mà chúng ta kiếm nó, tiêu diệt nó, gây chiến tranh là một việc lợi ít mà hại nhiều.

Lợi thì không thấy lợi gì cả vì nó có làm gì đâu, chỉ lợi cái là cho mình bớt sợ thôi.

Hại thì nhiều, giết địch 1000 mình cũng tổn hại 800. Uống 2-3 thứ kháng sinh vừa tốn tiền, tốn thời gian, vừa bị tác dụng phụ tiêu chảy loạn khuẩn, nguy cơ tổn thương gan thận, chưa kể kháng thuốc ngày càng nhiều, có khi phải trị mấy đợt mới hết. Xong rồi có thể vẫn bị tái nhiễm như thường. Đúng là chuyện ruồi bu.

Thành ra hiện nay người ta khuyến cáo chỉ nên tầm soát và tiêu diệt HP khi nghi ngờ nó đang gây sự hay khi trong nhà (cơ thể) sắp có chuyện rắc rối sợ nó thừa cơ gây rối mà thôi.

Cụ thể là:

- Có triệu chứng rối loạn tiêu hoá như đau bụng, chướng bụng, đầy hơi,… KÉO DÀI

- Viêm loét dạ dày trên nội soi

- Loạn sản hay viêm teo niêm mạc dạ dày

- U MALT dạ dày

- Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch mạn tính

- Thiếu máu thiếu sắt không rõ nguyên nhân

- Phải uống thuốc kháng viêm NSAID (ibuprofen, naproxen, aspirin,…) kéo dài, đây là nhà sắp có chuyện vì các thuốc này dễ gây viêm loét xuất huyết dạ dày nên phải tìm xem có nhiễm HP nhằm không để chúng cùng nhau gây hoạ.

- Có tiền sử gia đình ung thư dạ dày.

Một đợt rối loạn tiêu hoá, đau bụng vài ngày hay nhiễm trùng tiêu hoá cấp tính không phải là chỉ định tầm soát HP

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng không nên tầm soát HP

Khi cần phải tầm soát thì thử máu định mức kháng thể chẳng có ý nghĩa gì, thử xong cũng chẳng biết có đang nhiễm hay không nữa, tốn tiền vô ích.

Tóm lại, không nên quá sợ hãi HP, nó là khách không mời mà tới, nhưng thường không gây sự, nên mình cũng chỉ quan sát nó thôi. Chỉ khi nào nghi ngờ nó đang gây sự, hay sợ nó thừa nước đục thả câu trong lúc gia đạo bối rối thì mới đi kiếm nó để diệt.

Phòng ngừa lây nhiễm thì cứ phòng ngừa, nhưng đừng quá lo sợ, sống trong sợ hãi triền miên thì mất hết cả lạc thú. Cái gì mà bị nhiễm HP thì không dám ngồi ăn cơm cùng con, rồi xúm nhau đi thử, đem một đống thuốc về uống, chi vậy?

Bác sĩ nên ráng giải thích rõ ràng hơn cho bệnh nhân, đừng để bệnh nhân sống trong hoang mang sợ hãi, đừng hù nguời ta tội lắm.